Theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, những gia đình đông con cháu là gia đình có phúc, nhiều con, phúc lớn là nguyện vọng tối đơn giản của con người.
Tuy nhiên, đối với đệ nhất gia đình thời phong kiến (hoàng cung), chính điều này lại hình thành nên nguồn cơn của các cuộc đấu đá đầu rơi máu chảy.
Tất cả chỉ vì, vị trí hoàng đế chỉ có một, và trong số các anh em huynh đệ con vua, chỉ có thể có một và chỉ một người được đăng cơ, bước lên đỉnh cao của quyền lực.
Ở chốn cung đình, việc vua đông con vẫn được coi là phúc. Chỉ đến khi tìm kiếm người thừa kế, “phúc” mới dần chuyển thành “sầu”.
Vì tranh ngôi đoạt vị, huynh đệ sẵn sàng tiêu diệt, tương tàn. Cay đắng hơn, đã có không ít trường hợp, vì hoàng tử muốn sớm đăng cơ mà sẵn sàng hạ thủ, đẩy phụ hoàng vào tử lộ.
Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, rất nhiều Hoàng đế vì thực tế này mà không thể không đề phòng chính con đẻ của mình.
“Thái tử đảng” là một từ vô cùng đáng sợ trong xã hội phong kiến, bởi khi sự đố kị lên đến mức đỉnh điểm, Thái tử sẽ lôi bè kết phái, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích của mình.
Tuy nhiên, làm Thái tử cũng có cái khó của Thái tử. Lôi kéo thân tín về bên mình, một khi bị phụ thân phát hiện, sẽ khó có thể thoát khỏi rắc rối.
Tuy nhiên, họ cũng khó có thể chọn cách sống thanh cao, bởi xung quanh luôn có không ít người nhòm ngó đến vị trí quyền lực tối cao trong tương lai của mình, làm sao có thể yên giấc?
Những ông Hoàng đứng đầu sử sách về “con đàn cháu đống”
Nét đặc trưng Hoàng gia trong xã hội phong kiến Trung Quốc xưa kia, đó là “nhà thiên hạ”, có nghĩa là cả thiên hạ đều quy thuộc về Hoàng gia.
Trạng thái lý tưởng nhất của Hoàng gia chính là được lưu truyền thiên thu ngàn đời. Vì thế, đối với Hoàng gia mà nói, người càng đông sẽ càng vui, càng là dấu hiệu đáng mừng.
72 phi trong Tam cung lục viện, chỉ là số vợ chính thức của Hoàng đế. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả những phụ nữ không có cùng huyết thống với vua đều có thể sinh con cho người đứng đầu hoàng cung.
Vì thế, các Hoàng đế thời cổ đại thường có rất nhiều con cái. Theo truyền thuyết, Châu Văn Vương có hơn 100 người con trai trong đó có 99 người con đẻ và 1 người con nuôi. Đây đương nhiên chỉ là một truyền thuyết, độ chính xác xác cần phải khảo sát thêm.
Tuy nhiên, một ví dụ khác, có thể lấy làm ví dụ trong trường hợp này, với các dẫn chứng có cơ sở, đó là vua Khang Hy đời Thanh. Ông sống thọ 70 tuổi, có 55 người con, 35 hoàng tử và 20 công chúa.
Trước đời Thanh, vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ nổi tiếng phong lưu, lãng mạn cũng có đến 30 người con trai, 29 người con gái.
Điểm “nổi bật” của Lý Long Cơ là, dù không xếp hàng đầu trong số các Hoàng đế có nhiều con trai nhất dưới triều Đường, song Huyền Tông lại khét tiếng với việc “giết con không chớp mắt”.
Hai năm sau khi Dương Ngọc Hoàn trở thành Thọ quý phi, Đường Huyền Tông trong một ngày đã ra tay giết hại 3 người con đẻ của mình là Thái tử Lý Anh, Ngạc Vương Lý Dao, Quang Vương Lý Cư.
Theo liệt kê của trang tin Sohu (Trung Quốc), tổ phụ của Lý Long Cơ là Lý Thế Dân cũng có 14 hoàng tử và 21 công chúa. Hoàng đế thứ 4 của nhà Trần là Trần Tuyên Đế Trần Húc Quang có 42 người con trai; Tống Huy Tông có tổng cộng 65 người con, trong đó có 31 hoàng tử.
Dưới cách nhìn của thời hiện đại, mỗi Hoàng đế đều là một ông bầu có khả năng chiêu sinh “vô đối”.
Tuy nhiên, khác với hình thức chiêu sinh “du kích”, Hoàng đế “cuồng sinh” không chỉ hợp pháp mà còn là một nhiệm vụ quan trọng và không bao giờ tồn tại khái niệm “không nuôi nổi” như hiện tượng vẫn thấy trong dân chúng.
Đông con trai là một trong những thành công của Hoàng đế. Dưới thời phong kiến, nếu như một Hoàng đế đó đoản mệnh, lại ít con trai, chắc chắn sẽ bị coi là nỗi bất hành của giang sơn xã tắc.
Bố trí quyền lực cho con trai – Nỗi khổ truyền kiếp của các Hoàng đế
Nhưng chính việc đông con lại khiến các Hoàng đế ăn không ngon, ngủ không yên khi các hoàng tử đến tuổi trưởng thành.
Đông con liệu có thể giúp Hoàng đế gối cao đầu ngủ ngon? Lịch sử đã có câu trả lời là không. Trong suốt quá trình dưỡng dục con cái, công việc khó khăn bậc nhất của một Hoàng đế là bố trí công việc cho đàn con lên đến hàng chục người.
Cái khó của họ nằm ở chỗ: để mỗi người con trai của Hoàng đế đều có phần, Trung Quốc từng phải chứng kiến các mảng tối như “Thất quốc chi loạn”, “Bát vương chi loạn”;
Vì mác Thái tử, nhiều Hoàng tử đã không từ thủ đoạn, đánh giết lẫn nhau; Và nếu Hoàng đế nhờ người ngoài và thái giam giám sát đôn đốc con trai, kết quả cũng chỉ tạo nên sự chuyên quyền trong giới quần thần và sự bá quyền của người ngoài.
Theo sử sách Trung Quốc, cuộc cạnh tranh tước vị của con trai Hoàng đế luôn là những cuộc cạnh tranh vô cùng tàn nhẫn.
Hoàng đế Khang Hy lên ngôi vua khi mới lên 8 và giữ ngôi vương liền một mạch tròn 61 năm, lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Quốc.
Theo như giới thiệu ở trên, đây là vị vua có khả năng “chăn gối” vượt trội vơi tổng số 55 người con. Trước khi ông qua đời, Thái tử đã hơn 40 tuổi trong khi số lượng hoàng tử trưởng thành là hơn chục người.
Đám đông hoàng tử ấy, ai nấy đều thèm khát vị trí ngai vàng. Niềm khát khao ấy, ấp ủ trong nhiều năm đã hình thành nên những âm mưu nguy hiểm bậc nhất chốn hoàng cung.
Cuối cùng, con trai thứ tư của Khang Hy là Ái Tân Giác La Dận Chân – chính là Thanh Thế Tông Ung Chính sau này đã trở thành người chiến thắng trong cuộc hỗn chiến, huynh đệ tương tàn.
Thực ra, từ rất sớm, Khang Hy đã xác định người kế vị. Đó là người con thứ hai Dận Nhưng, khi được cha lựa chọn mới 4 tuổi.
Ý đồ của ông khi đó rất rõ ràng, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, ổn định chính quyền và quan trọng hơn cả là tránh được một cuộc chiến quyền lực trong cung.
Tuy nhiên, vài chục năm đã qua đi, Khang Hy vẫn khỏe mạnh, tham gia chấp chính không mảy may có ý định lui về nghỉ ngơi. Điều này khiến Thái tử Dận Nhưng trong lòng thấp thỏm không yên.
Luận về năng lực, Dận Nhưng thực sự không phải là người có thể làm nên nghiệp lớn. Trong lúc vì quyền lực chưa đến tay mà đứng ngồi không yên, ông đã nói ra những từ thiếu suy nghĩ “đã làm Thái tử hơn 40 năm nay”.
Câu nói này sau khi được truyền đến tai vua, đã gây họa lớn cho Hoàng đế tương lai khi đó.
Khang Hy bắt đầu nghi ngờ người con ngày đêm oán trách cha “sao không mau chết sớm”, cho rằng hành vi của Thái tử rất mờ ám, cảm giác như luôn bị con trai theo dõi.
Điều này khiến Hoàng đế cảm thấy bất an, cho rằng Dận Nhưng đại nghịch bất đạo, liền hạ lệnh phế Thái tử.
Sau khi vua cha phế Thái tử, anh trai cả là Dận Đề lâu nay luôn oán hận Thái tử là người mừng vui hơn ai hết, vội tìm cách xúi bẩy phụ hoàng nên giết Dận Nhưng trừ hậu họa, đồng thời không ngần ngại đề xuất, tình nguyện cùng phụ thân ra tay xử lý vụ này.
Tuy nhiên, Dận Đề không thể ngờ rằng, những lời nói của ông ta bị Khang Hy đánh giá là vô cùng ngu xuẩn, nhìn thấu mục đích. Với vị Hoàng đế này, phế Thái tử đã là chuyện đại sự, nay giết con, chẳng phải sẽ biến ông thành một bạo quân?
Ngay lập tức, người con cả bị vua cha hạ lệnh bắt giam.
Vị trí Thái tử không thể để trống, vì thế Hoàng đế Thanh triều quyết định vời quần thần vào cung, để mọi người tiến cử.
Nằm ngoài sự tính toán của Khang Hy, hầu như tất cả mọi người đều dành tín nhiệm cho Dận Tự - Bát hoàng tử vì cho rằng người này túc trí đa mưu, có tài năng xuất chúng, không chỉ có quan hệ tốt với các đại thần Mãn Thanh, mà còn được các đại thần Hán tộc kính nể.
Tuy nhiên, điểm này đã khiến Khang Hy không thể tin cậy.
Vì sao Khang Hy phải phế Thái tử? Nguyên nhân đâu phải chỉ vì câu nói dại dột của Dận Nhưng. Điều Khang Hy thực sự lo ngại là thế lực chống lưng cho Thái tử sau mấy chục năm kết bè kéo cánh.
Vì thế, khi thấy mọi người đều tiến cử Dận Tự làm tân Thái tử, người cha Khang Hy trong lòng không những không chút tự hào, mà trào dâng cảm giác tiểu tử này đã ngầm dày công chăm sóc các đại thần, xây dựng một thế lực cho riêng mình.
Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng, ông đưa ra một quyết định khiến quan quân đại thần kinh ngạc, đó là tái lập Dận Nhưng làm thái tử.
Khang Hy không thừa nhận năng lực của Bát hoàng tử mà chỉ cho rằng đây là kết quả của một cuộc trao đổi giữa Dận Tự và các đại thần. Tái lập Thái tử chẳng qua cũng là một kế sách của Khang Hy, vài năm sau đó, ông lại một lần nữa cho Dận Nhưng “ngã ngựa”.
Hoàng đế Thanh triều phế Thái tử lần thứ hai vào năm ông 51 tuổi. Khi gần 60 tuổi, việc xác lập người kế thừa mới được tính đến và khi đó, nó đã trở thành chuyện vô cùng cấp bách.
Khang Hy một lần nữa lại nói với quần thần, sẽ chọn một tân Thái tử có thể khiến mọi người tâm phục. Tuy nhiên, lần này ông đã quá thận trọng, cho đến chục năm sau đó, trước khi chết, vẫn không kịp lập Thái tử.
Mùa thu năm Khang Hy thứ 61, Hoàng đế Khang Khi đi săn tại Nam Uyển đột nhiên bị cảm, liền trở về Sướng Xuân Viên dưỡng bệnh. Không ngờ bệnh tình mỗi lúc một nặng, đột ngột qua đời.
Cuối cùng, Tứ hoàng tử Dận Chân trong cuộc chiến tranh giành ngôi báu nảy lửa chốn cung đình đã đoạt được ngôi vương. Theo cách nói của Ung Chính, ông trở thành người kế vị theo di chiếu của vua cha, song trên thực tế, di chiếu này hết sức khả nghi.
Nguyên nhân là bởi khi vua Khang Hy qua đời, bên cạnh chỉ có 7 Hoàng tử và Long Khoa Đa (người trông coi Sướng Xuân Viên).
Sau khi Hoàng đế qua đời, trong lúc cục diện hỗn loạn, Long Khoa Đa đã đứng ra, tuyên bố Hoàng đế để lại di chiếu bằng miệng, mệnh lệnh cho Tứ hoàng tử kế vị ngai vàng.
Tuy nhiên, có hay không sự tồn tại của di chiếu này, chỉ có Long Khoa Đa và Khang Hy biết mà thôi.
Sau khi lên ngôi vua, phải đối diện với sự bất mãn và khiêu chiến của các huynh đệ, Ung Chính đã chọn cách giải quyết không hề nhẹ tay.
Ngoài thập tam Hoàng tử Dận Tường, thập lục Hoàng tử Dận Lộc và thập thất Hoàng tử Dận Lễ là những người có cảnh ngộ tương đối tốt, tất cả những huynh đệ khác đều bị khép tội chết hoặc bị giam cầm trong ngục cả đời.
Vì thế mới nói, bố trí chức vị, trao quyền lực cho con trai là một trong những công việc vô cùng nan giải của các Hoàng đế. Để kế thừa ngai vàng, anh em huynh đệ không ngại tương tàn, một người đắc lợi mà tất cả bị diệt vong.a
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét