Hoàng hậu Giả Nam Phong
Giả Nam Phong là hoàng hậu dưới triều Tấn Huệ Đế trong lịch sử Trung Quốc. Bà đã thao túng triều đình Tây Tấn, khởi đầu gây ra loạn bát vương kéo dài 16 năm khiến nhà Tấn suy yếu trầm trọng và đi đến diệt vong.
Cha của Giả Nam Phong là Giả Sung – công thần khai quốc nhà Tây Tấn, có công giúp cha con Tư Mã Chiêu – Tư Mã Viêm lật đổ nhà Tào Ngụy. Mẹ là Quách Hoè, nhờ chồng cũng được phong tước Quảng Thành quân.
Giả Sung không có con trai, chỉ sinh được bà và một người em gái là Giả Ngọ.
Khi Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế (265), Giả Nam Phong lên 9 tuổi. Dù người con lớn nhất là Tư Mã Trung có trí tuệ kém phát triển nhưng Tấn Vũ Đế vẫn lập làm thái tử. Năm 271, Vũ Đế tính chuyện kén con dâu. Ban đầu, Vũ Đế định chọn con gái đại thần Vệ Quán cho Trung, nhưng sau đó lại nghe hoàng hậu Dương Diễm khuyên nên lấy con gái Giả Sung. Lúc đó, thái tử Trung lên 13 tuổi, Vũ Đế sai người đến hỏi con gái nhỏ của Giả sung là Giả Ngọ lên 12. Nhưng lúc đó Giả Ngọ quá bé, không mặc vừa áo cưới. Vì vậy, Vũ Đế thấy Giả Sung có con gái lớn là Giả Nam Phong đã lên 15 tuổi, bèn cho lấy thái tử. Từ đó Giả Nam Phong trở thành thái tử phi.
Theo như những gì sử sách chép lại, Giả Nam Phong có thân hình lùn, chỉ cao chừng 1m40, người cục mịch, chân vừa ngắn vừa to, lưng gù, da đen, răng vẩu. Các nét trên mặt không cân đối với cái mũi tẹt và hếch, đôi môi dày thâm sì, vẻ mặt trông dữ tợn và nanh ác. Người ta thường nói rằng toàn bộ cái xấu mà trời đất có thể gom góp được đều tụ lại hết ở Giả Nam Phong. Và điều kinh khủng hơn cả là tâm địa của người đàn bà này cũng đen tối, xấu xa như vẻ bên ngoài của bà ta.
Trước khi cưới Giả Nam Phong, Tư Mã Trung đã được vua cha ban cho cung nhân Tạ Cửu. Tạ Cửu được phong làm Tài Nhân. Giả Nam Phong chỉ sinh được 4 công chúa, còn Tài nhân Tạ Cửu lại sinh được người con trai là Tư Mã Duật. Sau khi diệt được Đông Ngô, Tấn Vũ đế sa vào hưởng lạc, ít chú ý đến triều chính. Thấy Tư Mã Trung trí tuệ kém, Vũ đế cũng có lo ngại về người kế vị, bèn làm phép thử. Vũ đế giao cho Trung phê thử một tập tấu sớ của các quan. Giả phi Nam Phong lo sợ chồng bị phế sẽ mất ngôi hoàng hậu trong tương lai nên tìm cách sai người làm hộ cho Tư Mã Trung.
Nội thị Trương Hoằng khuyên rằng:
Hoàng thượng biết Thái tử không giỏi chữ, nếu viết uyên bác quá sẽ lộ ra là nhờ người làm hộ.
Giả Nam Phong bèn nhờ Trương Hoằng lại khéo léo dùng lối văn chân phương nông cạn để diễn đạt. Tư Mã Trung cứ thế theo bài mẫu chép lại và mang nộp cho vua cha. Tấn Vũ đế cho rằng Trung cũng ít nhiều có hiểu biết nên tạm gác việc thay thái tử.
Hoàng hậu Giả Nam Phong hoành hành trong cung, nhiều lần giết hại người hầu. Bà còn hại của cung nữ có thai với Thái tử khiến cô ta sảy thai.
Vì nhiều hành động độc ác của mình, bà đã bị Tấn Vũ đế nghĩ tới việc phế bỏ nhưng vì nể cha bà là đại thần nên lại cho bà tại vị. Cũng vì thế đã tạo ra một người đàn bà độc ác dã man trong lịch sử. Con cả của Trung là Tư Mã Duật còn nhỏ đã tỏ ra là người thông minh lanh lợi, khiến Vũ Đế rất yêu quý. Vệ Quán nhiều lần khuyên Tấn Vũ đế nên thay ngôi thái tử. Vũ đế cho rằng tuy con dốt nhưng cháu giỏi thì sau này có thể giúp con, vì vậy càng thôi ý định thay thái tử.
Năm 290, Tấn Vũ Đế mất, Tư Mã Trung lên nối ngôi, tức là Tấn Huệ Đế. Giả phi được làm hoàng hậu. Cha Dương thái hậu là Dương Tuấn, tức là ông ngoại của Huệ Đế làm chức Thái phó phụ chính. Huệ Đế lúc đó đã 32 tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch.
Giả hậu thấy vua Huệ Đế ngây ngô, muốn đoạt quyền hành. Nhân các vương họ Tư Mã bất bình vì ngoại thích Dương Tuấn nắm quyền, Giả hậu bèn cùng Đông An công Tư Mã Do và Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng bàn mưu kết tội Dương Tuấn chuyên quyền.
Năm 292, Do và Lượng theo lệnh Giả hoàng hậu làm binh biến vây bắt Dương Tuấn. Dương thái hậu trong lúc nguy cấp bèn viết thư vào vải gấm, sai buộc vào tên bắn ra ngoài để kêu gọi người đến cứu cha. Nhưng bức thư bị quân của Tư Mã Do bắt được. Do và Lượng bắt giết cả nhà Dương Tuấn. Giả hậu vốn hận Dương thái hậu, lấy chứng cứ bức thư gấm để kết tội Dương thái hậu cùng mưu phản nghịch với Dương Tuấn, vì vậy Dương thái hậu cũng bị kết tội và bị phế.
Tư Mã Lượng và Tư Mã Do cầm quyền trong triều, nhưng hai người sinh mâu thuẫn. Lượng sai người gièm pha Do với Giả hậu, Giả hậu bèn cách chức Do. Lượng tiến cử Sở vương Tư Mã Vĩ cùng lão thần Vệ Quán thay chức của Do.
Sau một thời gian, chính Vĩ lại lấn át quyền của Lượng. Lượng tức giận bàn mưu với Vệ Quán trừ Vĩ, nhưng việc bại lộ. Vĩ nói vu với Giả hậu rằng Vệ Quán và Lượng mưu phế Giả hậu. Giả hậu tức giận bèn sai Vĩ vây bắt, giết chết cả nhà Vệ Quán và Tư Mã Lượng. Sau Giả hậu mới biết Lượng bị vu cáo, lại thấy Vĩ chuyên quyền nên ghét Vĩ, lại thương Lượng và Vệ Quán bị oan. Nghe lời Trương Hoa, Huệ Đế và Giả hậu sai tướng Vương Cung phục binh bắt giết Vĩ tại triều.
Ngoài chuyên quyền, Giả Hoàng hậu còn được cho là người đàn bà hoang dâm trong lịch sử. Bà thường cho truyền gọi những người đàn ông cao to bên ngoài vào để hưởng lạc. Sau khi xong việc, những người này đều bị giết để giữ bí mật cho bà.
Sau này, bà còn mưu đồ giết cả thái tử vì sợ thái tử lên ngôi bà sẽ mất ngôi vị của mình, mất quyền lực. Bà chúc rượu cho thái tử say và bắt chép thư phản nghịch. Mưu đồ của bà đã thành. Nhưng cũng chính vì hành động này mà sau này, Tư Mã Luân – ông chú của Huệ Đức đã khởi binh dẹp loạn.
Tháng 4 năm 300, Luân hợp sức với Tề vương Tư Mã Quýnh là cháu gọi Vũ Đế bằng bác. Hai người mang quân vào cung bắt sống Giả hậu và giết các phe cánh là Đổng Mãnh, Tôn Lự và tình nhân Trình Cứ. Các đại thần Trương Hoa, Bùi Ngỗi cũng bị bắt và xử chết trong vụ này.
Giả hậu bị phế làm thứ nhân và bị giam ở thành Kim Dung. Ngày 9 tháng 4 năm đó, bà bị Tư Mã Luân sai người mang rượu độc đến ép tự vẫn. Năm đó bà 44 tuổi.
Loạn bát vương vẫn tiếp diễn nhiều năm sau dẫn tới sự suy sụp của nhà Tây Tấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét